Asen là gì? Một số phương pháp lọc nước ô nhiễm asen phổ biến

Hiện nay, tình trạng nước bị nhiễm Asen vượt quá mức quy định và gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. Vậy Asen là gì? Việc sử dụng nước bị nhiễm hàm lượng asen ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như thế nào? Bài viết này lọc nước Tre Việt sẽ hướng dẫn bạn tìm hiểu chất độc asen, nguồn gốc và các phương pháp xử lí nước bị ô nhiễm asen phổ biến hiện nay.

Asen là gì?

Asen bắt nguồn từ tiếng Pháp arsenic còn được viết là a-sen, arsen, arsenic. Trong tiếng Việt, asen còn được gọi là thạch tín, là một nguyên tố hóa học có ký hiệu As. Asen là một loại á kim gây ngộ độc có màu đen và xám, nó thường tồn tại và gây độc phổ biến nhất ở các dạng hợp chất asenat và asenua. Asen và các hợp chất thường được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp như: thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, và trong một loạt các hợp kim.

Asen có ở đâu?

Asen thường nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất, asen vô cơ và các hợp chất của nó được tìm thấy ở các dạng hóa học khác nhau asen trong nước ngầm, trong đất, thực phẩm. Do dễ dàng hòa tan với nước xung quanh nên các giếng khoan, các nguồn nước ở mực nước ngầm và bề mặt có nồng độ asen cao. Hiện nay, hơn một trăm triệu người có nguy cơ cao phơi nhiễm asen thông qua nước uống, cũng như qua không khí ở những khu vực có đốt than và khí thải công nghiệp.

Asen là gì? Nước nhiễm asen có tác hại ra sao? - Fptshop.com.vn
Asen là một loại á kim gây ngộ độc thường nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất

Chất Hữu Cơ Là Gì? Các Phương Pháp Xử Lí Chất Hữu Cơ Trong Nước

Một số điều cần biết về nước bị nhiễm asen

Cách nhận biết nước nhiễm asen

Asen có đặc tính không gây mùi vị khó chịu, không màu, không vị nên bằng cảm quan rất khó nhận biết được nước có bị nhiễm asen hay không. Vì vậy, cách duy nhất để nhận biết nước nhiễm asen hay không là thực hiện các xét nghiệm mẫu nước. Bạn có thể mang mẫu nước nghi ngờ bị nhiễm asen đến các phòng xét nghiệm nguồn nước uy tính để kiểm tra.

Nguyên nhân nước bị ô nhiễm Asen

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước bị ô nhiễm Asen chủ yếu là do lớp trầm tích của đất có hàm lượng Asen cao được giải phóng và hòa tan vào nguồn nước. Ngoài ra, các hoạt động nông nghiệp như: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học hoặc các hoạt động khai thác và chế biến kim loại cũng làm cho nguồn nước bị nhiễm asen.

Tác hại của asen đối với con người

  • Asen vô cơ có thể phá hủy AND, một liều oxit arsenic (thạch tín) 100 mg có khả năng gây chết người. Asen là một trong những nguyên tố độc hại nhất có thể được tìm thấy trong tự nhiên. Asen thâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm, nước và không khí, tình trạng bị nhiễm asen cũng thông qua tiếp xúc da với đất hoặc nước có chứa nó.
  • Asen gây ung thư và gây ngộ độc cho người, nó gây ung thư ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể như: da, thận, gan, phổi, bàng quang… Ngoài ra, nếu cơ thể tiếp xúc qua nước uống có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh không phải ung thư như: thay đổi sắc tố, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn hô hấp, thần kinh…
  • Asen trong cơ thể có thể được chuyển hóa thông qua các phản ứng methyl hóa và khử. Cả asen vô cơ và các hợp chất chuyển hóa bị methyl hóa dễ dàng đi qua hàng rào nhau thai. Điều này, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nặng hơn có thể gây sảy thai đối với phụ nữ mang thai. Trẻ em bị nhiễm asen từ trong bụng mẹ có thể bị dị tật bẩm sinh và có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư về sau.
  • Asen hữu cơ có thể không gây ung thư và gây tổn thương DNA, asen hữu cơ không phản ứng với cơ thể người và thải ra theo đường bài tiết từ 1-2 ngày. Nhưng nếu tiếp xúc với nồng độ cao có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người như: chấn thương thần kinh, đau dạ dày…
Máy lọc nước Karofi 9 lõi loại bỏ Asen hoàn toàn
Asen vô cơ gây ung thư và gây ngộ độc cho người

Các biểu hiện của cơ thể khi bị nhiễm Asen

Nếu cơ thể bạn xuất hiện các triệu chứng sau thì rất có thể bạn đã bị nhiễm asen:

  • Xuất hiện các mảng dày sừng ở các chi: lòng bàn tay, bàn chân nổi lên các nốt sần giống như mụn cơm rồi to dần lên và lan rộng thành các mảng sần. Các mảng sừng này thường mọc đối xứng hai bên, có nhiều trường hợp còn có thể xuất hiện ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay…da ở các vùng này có thể chuyển vàng và có vết nứt nẻ.
  • Màu sắc da thay đổi: da có thể xuất hiện các nốt đen thâm nhỏ khắp nơi, chủ yếu ở các vùng được che kín như: cẳng chân, ngực, bụng…
  • Các đầu ngón tay, ngón chân tê buốt: nguyên nhân của tình trạng này là do tắc mạch ở đầu chi. Cơ thể sẽ có cảm giác tê rần ở đầu chi, lâu dần sẽ thấy cảm thấy đau buốt. Các ngón tay, chân có thể bị hoại tử do không có máu cung cấp oxy đến các đầu chi.
  • Các biểu hiện khác: rụng tóc nhiều không rõ nguyên nhân, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp…nếu mang bầu có thể gặp tình trạng nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sảy thai…

Các phương pháp xử lí nước ô nhiễm asen

Các công nghệ xử lý nước bị nhiễm Asen đều phải căn cứ vào trạng thái tồn tại, mức độ hay nồng độ của Asen trong nước, các yếu tố về địa hình, địa chất… Dưới đây là một số phương pháp xử lí nước ô nhiễm Asen ở thế giới và Việt Nam.

Phương pháp Oxy hóa nước

Asen trong nước thường tồn tại 2 dạng: Asenat và Asenit. Các phương pháp loại bỏ asen trong nước đều hiệu quả trong việc loại bỏ Asenat, vì Asenat có xu hướng kết tủa với các cation kim loại hoặc hấp thụ trên bề mặt chất rắn. Do vậy, các hệ thống xử lí Asen phải thực hiện một bước oxy hóa để chuyển asenit thành asenat.

Phương pháp Keo tụ – Kết tủa

Cộng kết tủa – lắng – lọc Asen đồng thời với quá trình xử lý sắt và/hoặc mangan có sẵn trong nước ngầm tự nhiên. Đây là phương pháp xử lý Asen đơn giản nhất, phương pháp này thực hiện bằng cách bơm nước ngầm từ giếng khoan, và làm thoáng để oxi hóa sắt, mangan. Qua đó, tạo hydroxyt sắt và mangan kết tủa.

Phương pháp trao đổi Ion

Phương pháp này là quá trình trao đổi giữa các ion trong pha rắn và pha lỏng mà không làm thay đổi cấu trúc của chất rắn. Loại bỏ các ion Asenat trong nước bằng phương pháp trao đổi ion với vật liệu trao đổi gốc anion axit mạnh. Loại vật liệu trao đổi ion này có ưu điểm đó là sử dụng dung dịch muối đậm đặc NaCl để hoàn nguyên hạt để trao đổi ion đã bão hòa Asen. Tuy nhiên, phương pháp này tương đối phức tạp, ít có khả năng áp dụng cho từng hộ gia đình đơn lẻ.

Phương pháp hệ thống lọc nước.

Lọc qua lớp vật liệu: Sử dụng vật liệu chủ yếu là cát, Asen được loại bỏ khỏi nước trong bể lọc cát nhờ sự đồng kết tủa với Fe(III) trên bề mặt của cát và không gian giữa các lỗ rỗng trong các lớp cát. Fe(II) hòa tan trong nước sẽ bị oxi hóa bởi oxi của không khí để tạo thành Fe(III). Fe(III) sẽ được hấp phụ trên bề mặt các hạt cát và tạo thành một lớp hấp phụ mỏng, Asen(V) và Asen(III) có trong nước sẽ được hấp phụ vào lớp Fe(OH)3 và bị giữ lại ở lớp vật liệu lọc. Khi nước ra khỏi bể lọc sẽ được loại bỏ sắt và Asen.

Công nghệ màng lọc: Sử dụng các màng bán thấm, các màng này chỉ cho phép nước và một số chất hòa tan đi qua. Công nghệ màng lọc có thể tách bất cứ loại chất rắn hòa tan nào ra khỏi nước trong đó có Asen. Phương pháp này có nhiều loại màng lọc khác nhau được sử dụng như: vi lọc, màng lọc RO, màng lọc nano…

So sánh màng lọc nước MF, NF (Nano), UF và RO: Nên chọn loại nào tốt?
Công nghệ màng lọc RO giúp loại bỏ asen một cách hiệu quả

Hiệu suất và chi phí bằng công nghệ màng lọc phụ thuộc vào chất lượng nước nguồn và chất lượng nước sau xử lý. Loại bỏ asen bằng màng lọc không phụ thuộc vào pH trong nước, các chất hòa tan khác nhưng bị ảnh hưởng bởi các chất keo. Sắt và Mangan có thể làm đóng cặn và tắc màng, nên nước có nồng độ chất rắn cao cần được xử lý sơ bộ trước khi qua lõi lọc nước để loại bỏ asen tránh tình trạng màng bị tắc nghẽn.

Tổng hợp lại bài viết đã giải thích giúp bạn asen là gì? Asen có nguồn gốc từ đâu? Khi sử dụng nước bị nhiễm Asen sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Do đó, khi sử dụng nước trong ăn uống và sinh hoạt bạn cần có phương pháp xử lí nước ô nhiễm asen một cách hiệu quả. Để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân một cách tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *